Album ảnh: Những ruộng bậc thang đẹp nhất Tây Bắc

Mỗi dịp mùa thu khi ghé thăm vùng núi Tây Bắc, du khách sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng những cánh đồng ruộng bậc thang đẹp nhất vùng khoe sắc vàng óng ả đẹp như mơ ở Mù Căng Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), Hoàng Su Phì (Hà Giang)…

Ruộng bậc thang Sa Pa mấy năm nay đã trở nên nổi tiếng hơn khi đầu năm 2009 tạp chí du lịch Travel and Leisure (Mỹ) công bố đây là một trong 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới .

Du khách tới Sa Pa thường tìm tới thăm quan, khám phá những khu ruộng bậc thang óng ả “như những chiếc thang vàng” của người Mông vùng Lao Chải, người Dao vùng Trung Chải, người Xa Phó vùng Nậm Sài, người Giáy vùng Tả Van …

Ruộng bậc thang vùng núi cao Mù Căng Chải là điểm đến không thể thiếu của du khách trẻ và các nhiếp ảnh khi bước vào vụ gieo cấy đầu hè và mùa thu hoạch – “mùa đẹp nhất trong năm” ở vùng cao Tây Bắc.

Một địa danh có những thửa ruộng bậc thang rất đẹp không kém gì ở Sa Pa và Mù Căng Chải là vùng núi cao Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). Nét đặc biệt là ở đây lúa chín muộn hơn nhưng lại cho sắc vàng tuyệt mỹ mỗi khi nắng sớm bừng lên trên những cánh đồng có những đường nét của những bức phù điêu khổng lồ tạc vào sườn núi …


Ruộng bậc thang ở Mù Căng Chải (Yên Bái).


Đồng bào Mông ở Yên Bái thu hoạch lúa mùa.


Nắng sớm Tú Lệ.


Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang).


Hạnh phúc trên cánh đồng vàng ở Xí Mần (Hà Giang).


Nắng sơm ở Sa Pả (Sa Pa).


Ruộng bậc thang ở Tả Van (Sa Pa).


Nắng chiều Lao Chải (Sa Pa).


Những đường cong ở Lai Châu.


Bức tranh vàng ở Hoàng Su Phì (Hà Giang).


Ruộng bậc thang ở Tả Giàng Phình (Sa Pa).


Niềm vui được mùa của thiếu nữ Mông Lai Châu.

Ảnh và bài: Lao Động

Nghề dẫn đường lên Fansipan

Gùi hàng quá nửa trọng lượng cơ thể sau lưng, chân vẫn thoăn thoắt ngược dốc, vượt gập ghềnh đá, tận tụy dẫn đoàn luồn rừng, lên đỉnh núi, đó là những phu vận chuyển hành lý trên nóc nhà Đông Dương Fansipan.

Trên vai trĩu nặng gùi hàng các porter vượt qua cung đường dốc đá.

Mồ hôi giữa núi lạnh

Chẳng biết việc vận chuyển hàng hóa cho khách du lịch lên đỉnh Fansipan cao 3.143m từ bao giờ đã thành một nghề. Đến nay, ở các thôn, bản dưới chân dãy Hoàng Liên, nhất là ở Sapa, người ta rủ nhau đi thành từng đoàn, từng tốp. Cũng từ lâu, người ta quen gọi những người hành nghề này bằng cái tên Tây chung là porter (người khuân vác).

Porter chủ yếu là trai tráng bản địa người Mông. Có gia đình tất cả thành viên đều đi khuân vác. A Lử – người dẫn đoàn chúng tôi, có hai người anh em là A Giành, A Chớ, đều làm hướng dẫn viên sau một thời gian làm khuân vác. A Lử ở bản Hồ (Sapa, Lào Cai) nói: “Mình có năm con, ba trai và hai gái. Hai con trai lớn cũng làm porter, đang dẫn đoàn”.

Những nếp nhăn và sắc da sạm gió sương khiến A Lử già hơn cái tuổi 48. Non chục năm gắn với nghề, anh coi chuyện leo Phan thường như cơm bữa.

A Lử có gần chục năm kinh nghiệm leo Fansipan

A Lử có gần chục năm kinh nghiệm leo Fansipan.

Lên đỉnh Fansipan, có ba cung đường. Hiểm trở có cung từ bản Cát Cát cao 1.245m nhiều vắt rừng (cả trong những ngày nắng), hay cung Sín Chải cao 1.260m với những đoạn đường mòn cheo leo sát mép vực. Cung dễ thở nhất (mà đoàn tôi nối gót lên Fansipan) là từ Trạm Tôn, độ cao 1.900m.

Gọi là dễ nhưng cũng đủ khiến đoàn chín người chúng tôi phờ phạc. Dù ở cung hiểm trở hay dễ thở, thì tiền công của porter cũng ở mức 150.000 đồng/ngày. Người dẫn đoàn như A Lử thì được khoảng 200.000 đồng. A Lử cho hay, giá ngày công ấy đã có từ mấy năm trước đây rồi, giờ chưa tăng. Có tiếng thở dài lẫn nhanh vào sương gió lưng chừng trời.

Những porter trên rẻo cao phần nhiều có thể hình nhỏ. Trên vai lúc lỉu những chiếc gùi khéo đan bằng mây tre chất đầy thức ăn, nước uống, hay lều bạt, túi ngủ hành lý của khách.

Mỗi gùi nặng 30 – 50 kg. Hai quai bện từ những sợi đay thít chặt dính với lớp vải áo mỏng với thớ thịt. Những đôi vai của thanh niên tuổi 16 – 17, thậm chí trẻ như Vàng A Toại (14 tuổi), đã mau chai sần và tím sậm.

Không ít khách du lịch cao to tò mò chọn gùi hàng nhẹ nhất, nhưng chẳng mấy ai nhấc được khỏi mặt đất. Có anh vừa nâng lên đã bị gùi hàng giật ngã ngửa. Muốn làm nghề này phải có sức khỏe, quen địa hình, chịu đựng tốt và thêm lòng dũng cảm. Chỉ cần sơ sẩy trượt chân, không rơi xuống vực đá mất mạng thì cũng gẫy chân, tay như bỡn…

Những khách leo chậm, hay đoàn nhiều nữ thường khiến porter mệt nhanh hơn. A Lử nói: “Đoàn có người đi chậm hay nghỉ thì mình phải chờ hoặc cử người đi kèm. Chờ nhiều chân dễ chùn, vai hay mỏi”. Vì thế, chốt đoàn thường là hai porter khỏe và nhiều kinh nghiệm.

Trong cái nghề nặng nhọc này, bạc bẽo nhất là khi gặp kẻ coi đồng tiền của mình là to, mà thiếu sự cảm thông, tôn trọng. Nhiều người trong đoàn chúng tôi đợt ấy, không khỏi bức xúc khi thấy “đoàn bạn”, mặc quần áo “ngầu”, dường như dân đi “phượt” chuyên nghiệp, luôn miệng văng những câu chửi tục, nặng nhẹ với porter… Cũng có đôi bạn trẻ không biết vô tâm hay cố ý để một porter thồ trên lưng gùi hàng cao quá đầu đứng chờ họ chụp ảnh… “Chúng tôi quá quen và coi như phải chấp nhận khi hành nghề” – A Lử chỉ cười.

Ngày gùi hàng nặng nhọc. Đêm đến không phải lúc nào cũng có giấc ngủ để lấy lại sức. Trong căn lều chật hẹp, đẫm sương, đội vận chuyển chen chúc nhau. A Lử kể, những ngày khách đi đông, không đủ lán ngủ, porter trải bạt ra giữa rừng, thậm chí nằm lăn lóc, co quắp trên mặt đất, ngủ qua đêm.

Tờ mờ sáng ngày thứ hai nơi chặng nghỉ 2.800 m so với mực nước biển, nhiều khuôn mặt porter phờ phạc sau đêm trắng, lại thoăn thoắt đôi tay lo bữa sáng cho đoàn. Những đôi tay trần nhúng vào nước suối buốt lạnh để rửa rau quả, bát đĩa…?

A Lử kể: “Có khách thì người ta (công ty) gọi đi. Bình thường mỗi tháng chỉ đi được vài chuyến. Nếu mùa du lịch, đi nhiều thì cả tháng được khoảng hai triệu”.

Mỗi chuyến đi, các porter nhận được 150.000 đồng/ngày

Mỗi chuyến đi, các porter nhận được 150.000 đồng/ngày.

Trách nhiệm

Ngoài việc mang vác hành lý, mỗi porter còn phải biết thành thạo nhiều việc khác, từ nấu bếp, chuẩn bị bữa ăn, đến làm trại, sơ cứu vết thương… Ngay những porter nhỏ tuổi như Vàng A Toại (14 tuổi) đã tháo vát, gọn gàng lắm trong việc chuẩn bị bữa ăn cho khách; chặt cành cây đan khung, căng bạt dựng lều khi nghỉ.

Tối, cái lạnh ập xuống nhanh hơn. Thiếu đi ánh lửa ngoài trời (phòng tránh cháy rừng, các đoàn khách và porter không được tự ý đốt lửa) càng làm tăng thêm cái tĩnh mịch, lạnh buốt của khí núi, sương rừng. Nhưng bữa ăn của khách chẳng sơ sài vì đã có những con người trách nhiệm.

Với sự khéo tay, lẫn chu đáo, bữa ăn ở độ cao 2.800 m ấy cũng chẳng kém gì mấy so với quán ăn nơi phố phường: thịt gà, bò xào nấm, canh miến, canh măng…

Các porter chuẩn bị bữa ăn cho đoàn tại chặng nghỉ 2.200 m

Các porter chuẩn bị bữa ăn cho đoàn tại chặng nghỉ 2.200 m.

Hầu như các porter lành nghề đều sẵn sàng lúc lên thì cõng hàng lẫn dìu khách, khi xuống đôi khi phải… cõng khách, do bị kiệt sức sau khi đến đỉnh. Niềm vui của họ là khi nhận được sự cảm thông của khách. A Lử bộc bạch, mỗi chuyến dẫn đoàn đi, các anh rất vui khi mọi người cùng lên tới đỉnh và quay trở về an toàn. Cũng buồn lắm, nhưng không thể nào khác, khi có người không thể đi hết hành trình. Trong bao nhiêu năm theo đoàn dẫn khách, A Lử vẫn cứ nhớ, cứ tiếc những lần cùng cả đoàn phải quay về khi gần tới đỉnh do thời tiết xấu.

Tận tụy và trách nhiệm, dường như có một nguyên tắc ngầm của người làm nghề vận chuyển ở đây, không ngồi ăn cùng và chung thức ăn với khách. Đáp lại lời mời của mấy bạn nữ trong đoàn tôi, các porter chỉ cười hiền khô kèm lời từ chối ngắn gọn. Có kinh nghiệm từ những lần leo trước, Triều, một thành viên trong đoàn, ý tứ nhắc mọi người để riêng một phần thức ăn, rau quả cho các porter. Những porter cũng khéo đáp lại thiện chí của đoàn. Cũng hiểu từ sự tận tụy mà cô bạn trong đoàn tôi cười xòa và vui vẻ chờ người trong đoàn khi xin nước từ một porter đoàn khác đi ngược chiều và bị từ chối: “Đây là nước của khách, mình không cho được”…

Chúng tôi rời Fansipan trở xuống khi trời đã ngả chiều. Ngược hướng chúng tôi, cung đường vẫn đậm đầy hình ảnh những người vận chuyển nặng trĩu gùi hàng, lặng lẽ lẫn tận tụy dẫn đoàn vượt dốc băng rừng, ngược hướng lên đỉnh.

Theo Tiền Phong

Lưa hồng trên vùng cao Sa Pa ngày rét đậm

Xin giới thiệu chùm ảnh người Sa Pa chống chọi giá rét 4,4 độ C bên những đống lửa hồng mà chúng tôi ghi lại chiều nay (10/12) trên đường lên thăm khu du lịch này:

Sưu tầm từ Dân trí

Lào Cai – Mùa nào cũng đẹp

Lào Cai được mệnh danh là kinh đô của giới nhiếp ảnh miền Bắc. Một vùng đất thật đẹp, đẹp đến sững sờ. Tôi có nghe một hướng dẫn viên du lịch nói “Cứ ở đâu có du khách nước ngoài đến và có mấy ông chụp ảnh có mặt là khu vực đấy chắc chắn rất đẹp”.

Mùa xuân, “mảnh đất nơi con sông hồng chảy vào đất Việt” này thật rực rỡ với sắc trắng hoa mận ở Bắc Hà, sắc hồng hoa đào Sa Pa, với những lễ hội đặc sắc của người Mông, người Dao, người Giáy. Đặc biệt hơn nữa mùa xuân ở Sa Pa và Ý Tý thường có những sông mây kỳ ảo như tranh thủy mặc.

Hoa đào Sa Pa.

Hoa đào Sa Pa.

Ruộng bậc thang Ý Tý.

Ruộng bậc thang Ý Tý.

Mùa hè đến, Lào Cai lại sặc sỡ và loang lổ sắc màu của những mảnh ruộng bậc thang mùa đổ nước. Ruộng bậc thang Sa Pa đã được lọt vào top 7 ruộng bậc thang kỳ vỹ nhất thế giới, nơi người ta thường gọi là nấc thang lên thiên đàng. Nơi đây còn có những thác nước đẹp mê hồn như thác Bạc, thác Cát Cát… (Sa Pa), thác Bay (Văn Bàn)….

Mùa thu, mảnh đất này lại khoác lên mình sắc vàng của lúa chín, màu tím của những ruộng hoa tam giác mạch ở Lùng Cải (Bắc Hà). Vào khoảng cuối tháng 10 dương lịch, sau khi bà con dân tộc đã thu hoạch lúa xong trên những thửa ruộng bậc thang, họ gieo những hạt hoa tâm giác mạch trên chính những thửa ruộng này. Mùa đông nơi đây tràn ngập sương mù, nhiều du khách may mắn được ngắm băng tuyết trên đỉnh đèo Ô Quý Hồ (Sa Pa), mải mê đến quên cả giá rét.

Huyền ảo Sa Pa mùa xuân.

Huyền ảo Sa Pa mùa xuân.

Tuyết Sa Pa.

Tuyết Sa Pa.

Lào Cai đẹp đã lôi kéo những tay máy nổi tiếng như Hoàng Thế Nhiệm – “ông vua phong cảnh Việt Nam” – một năm cũng đến mảnh đất này đến 5 – 7 lần, chuyên gia săn giải ảnh như Trần Cao Bảo Long, Trần Thiết Dũng mùa xuân nào cũng có mặt ở Lào Cai để ghi lại những khoảnh khắc đời thường. Và chính mảnh đất này cũng là nguồn cảm hứng vô tận cho nhiều tác phẩm nổi tiếng đạt giải cao của lĩnh vực nhiếp ảnh. Phải nói rằng Lào Cai mùa nào cũng đẹp và tiết trời, văn hóa nơi đây luôn biết chiều lòng du khách nước ngoài cũng như giới nghệ sỹ.

Mùa đông ở bản làng Sa Pa.

Mùa đông ở bản làng Sa Pa.

Hoa mận ở Bắc Hà.

Hoa mận ở Bắc Hà.

Thác bạc.

Thác bạc.

Thác Cát Cát.

Thác Cát Cát.

Lễ hội người Mông Sa Pa.

Lễ hội người Mông Sa Pa.

Ruộng bậc thang ở Sa Pa.

Ruộng bậc thang ở Sa Pa.

Phạm Ngọc Bằng
Nguồn: Lao động

Dân tộc H’mông Sa Pa

Sa Pa là vùng đất xinh đẹp không chỉ vì cảnh quan mà còn bởi sự hội tụ của nhiều sắc tộc cùng chung sống. Đến nơi đây ngày chợ phiên du khách sẽ không khỏi thích thú với đủ mọi váy áo rực rỡ của các dân tộc H’Mông Đen, Dao Đỏ, Tày, Giáy, Xá Phó. Mỗi dân tộc là một sự khác biệt về trang phục, lối sống, tập tục, phương thức canh tác…, cùng những bản sắc văn hóa riêng biệt, phong phú và bí ẩn.

Dân tộc H’mông là một dân tộc sinh sống đông nhất ở Sa Pa, chiếm khoảng 53% dân số. Trước đây họ là tộc người làm lúa nước rất giỏi, sống dọc theo khu vực sông Dương Tử (Trung Quốc), trong một cuộc xung đột với tộc người Hán, phần đông họ di cư về phía Nam và chia thành nhiều nhóm nhỏ. Những tộc người H’Mông đầu tiên đến Sapa thì tập trung chủ yếu ở dãy Hoàng Liên từ khoảng 300 năm trước.

https://i0.wp.com/www.baoanhdatmui.vn/vcms/media/photos/2008/6/cm475/20/1.jpg

Sống nơi núi non hiểm trở, thiếu đất đai màu mỡ nhưng với kinh nghiệm trồng lúa nước từ xa xưa, người H’mông đã san đắp những sườn núi, sườn đồi thành những thửa ruộng bậc thang độc đáo, mỗi năm có thể trồng được hai vụ lúa hoặc hai vụ ngô. Du khách có dịp lên Sa Pa vào mùa thu, lúc lúa chín rộ sẽ vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy vô số ruộng bậc thang từ thấp lên cao, vàng óng quanh co uốn lượn dọc theo sườn núi. Có thể nói đó là một trong những cảnh quan đẹp nhất vùng núi cao Tây Bắc.

Khoảng vài chục năm trước, người H’Mông có thói quen đốt rừng, phát hoang để làm ruộng rẫy và sống du canh du cư. Nhưng nay thì thói quen này đã chấm dứt và được Nhà Nước giao rừng, giao đất để tự quản, sinh sống, rừng Sa Pa cũng hồi sinh, ruộng nương rộng lớn, trù phú và xanh tốt.

https://i0.wp.com/imgs.vietnamnet.vn/Images/2011/06/01/10/20110601103337_6.jpg

Tộc người H’Mông sinh sống chủ yếu ở Sa Pa là người H’Mông Đen do quần áo của họ toàn màu đen nhưng trang phục của họ lại khác hẳn người H’Mông Đen ở nơi khác, vì thế thường được gọi là người H’Mông Sa Pa. Người đàn ông thường mặc quần màu đen hoặc xanh đen (màu chàm) giống nhau, áo cánh ngắn tay bên ngoài khoác áo không tay kiểu như áo gilê có vạt dài quá mông. Trên đầu đội một cái mũ bé tí, tròn, nông, ôm lấy đỉnh đầu trông như cái mũ của Giáo hoàng, có chiếc đen tuyền, có chiếc còn viền một vòng thêu thổ cẩm. Mũ của đám con trai còn được khâu thêm vào các dải vải màu hoặc các đồng tiền lủng lẳng. Người phụ nữ cũng mặc đồ đen, trên đầu cũng đội một chiếc khăn đen, vành thẳng đứng như một cuộn giấy cao vượt đỉnh đầu. Bên ngoài là một chiếc áo khoác không có tay, vạt dài gần tới gối như của đàn ông. Chiếc áo khoác này được lăn ép bằng sáp ong vì thế có màu đen ánh bạc. Để giữ gìn, nhiều khi người ta mặc lộn mặt trái có màu trắng ra ngoài. Đặc biệt nhất là phụ nữ H’Mông Sa Pa lại mặc quần ngắn ngang đầu gối chứ không mặc váy. Họ cuốn xà cạp quanh bắp chân rất khéo bằng một băng vải hẹp.

Trong những lễ hội truyền thống của người H’Mông thì lễ hội Gầu Tào diễn ngày 12 tháng giêng là đặc sắc nhất.Lễ hội thường tổ chức tại những thửa ruộng rộng hay vùng đồi với mong ước cầu thần linh ban cho sự bình an, thịnh vượng. Trong lễ hội còn có các cuộc thi bắn cung, bắn nỏ, múa khèn, múa võ, đua ngựa rất vui nhộn.

Ở Sa Pa bản làng người H’mông sinh sống đông nhất là Cát Cát – San Sả Hồ cách thị trấn Sa Pa 2 Km, Sa Pả, Lao Chải, Séo Mí Tỷ, và Tả Giàng Phình. Đến đấy du khách có thể trực tiếp thấy cách sinh hoạt hằng ngày của họ, cùng thưởng thức món thắng cố, tiết canh gà, rượu ngô, nhái nấu măng, bánh ngô và món đậu xị… độc đáo.

Sưu tầm